(GLO)- Những ngôi nhà có mặt tiền đá rửa, nền lát gạch bông, cửa gỗ sơn xanh thỉnh thoảng xuất hiện thoáng qua đâu đó, “lạc điệu” giữa không gian kiến trúc đô thị nhưng lại khiến nhiều người không khỏi bồi hồi. Đây là một trong những dấu ấn kiến trúc khá thịnh vào thập niên 70-80 của thế kỷ trước.
Khung trời cũ
Ngôi nhà có mặt tiền đá rửa ở số 79 Lê Thánh Tôn (TP. Pleiku) khá cũ kỹ. Phía trước nhà phủ xanh bởi giàn trầu không leo kín tường, ngăn cách ngôi nhà với đường lớn. Trong sân có một cây cau già thẳng tắp. Vừa Tết xong, vẫn còn hai chậu cúc vạn thọ đơm bông vàng rực. Một cụ già thảnh thơi ngồi nơi chiếc ghế gỗ có màu nâu trầm như trong mấy căn nhà cổ. Những cánh cửa cũng có màu thời gian hệt như chiếc ghế tựa. Khung cảnh mang đến cảm giác êm đềm như được trở về với vòng tay mẹ.
Ký ức nhà đá rửa.
(GLO)- Những ngôi nhà có mặt tiền đá rửa, nền lát gạch bông, cửa gỗ sơn xanh thỉnh thoảng xuất hiện thoáng qua đâu đó, “lạc điệu” giữa không gian kiến trúc đô thị nhưng lại khiến nhiều người không khỏi bồi hồi. Đây là một trong những dấu ấn kiến trúc khá thịnh vào thập niên 70-80 của thế kỷ trước.
Khung trời cũ
Ngôi nhà có mặt tiền đá rửa ở số 79 Lê Thánh Tôn (TP. Pleiku) khá cũ kỹ. Phía trước nhà phủ xanh bởi giàn trầu không leo kín tường, ngăn cách ngôi nhà với đường lớn. Trong sân có một cây cau già thẳng tắp. Vừa Tết xong, vẫn còn hai chậu cúc vạn thọ đơm bông vàng rực. Một cụ già thảnh thơi ngồi nơi chiếc ghế gỗ có màu nâu trầm như trong mấy căn nhà cổ. Những cánh cửa cũng có màu thời gian hệt như chiếc ghế tựa. Khung cảnh mang đến cảm giác êm đềm như được trở về với vòng tay mẹ.
Chủ nhân của ngôi nhà đá rửa này cho biết, nhà được làm từ đầu những năm 1980, toàn bộ nguyên vật liệu đều mua bằng tem phiếu. Để thi công mặt tiền đá rửa vốn rất thịnh hành thời đó, gia đình ông phải trả công thợ cao hơn bình thường. Ông cho hay: “Ở thị xã Pleiku những năm sau giải phóng có khá nhiều gia đình làm nhà kiểu mặt tiền đá rửa. Căn nhà này làm đã lâu theo cái mốt thời thượng đó. Do làm đã lâu nên hiện nhà đã xuống cấp rất nhiều. Tuy vậy, ngôi nhà có nhiều kỷ niệm của gia đình nên chúng tôi vẫn giữ lại”. Ngắm nhìn ngôi nhà một cách trìu mến, nơi có hình ảnh người mẹ già móm mém ngồi cạnh chậu cúc vạn thọ bên hiên nhà đầy nắng, người đàn ông đã hai màu tóc trên đầu bồi hồi: “Đi đâu tôi cũng vẫn thấy căn nhà cũ này là đẹp nhất. Chắc vì còn có mẹ tôi ở đó”.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Hồng Hà, những thập niên trước chỉ có 3 phương pháp thi công bề mặt chủ yếu là đá mài, đá rửa và quét vôi. Nhà đá rửa, đá mài thi công khá tốn kém, giá thành đắt hơn nhiều so với quét vôi nên chỉ những gia đình khá giả một chút mới làm theo phong cách này. “Đây là phương pháp ảnh hưởng theo phong cách miền Nam, cụ thể là ở Sài Gòn và rất phổ biến ở khu vực này những năm 70-80 của thế kỷ trước; phong cách hoàn toàn thuần Việt. Hiện nay vẫn còn khá nhiều công trình đá mài, đá rửa hiện diện ở TP. Hồ Chí Minh còn nguyên giá trị thẩm mỹ lẫn kiến trúc như Trường Đại học Kiến trúc, Thư viện Quốc gia Sài Gòn (nay là Thư viện Khoa học tổng hợp)…”-ông Hà cho biết.
Những ngôi nhà đá rửa hiện còn lại ở Phố núi không nhiều, thảng hoặc mới bắt gặp đâu đó trên đường Hùng Vương, Cao Bá Quát, Yên Đổ, hay trong con hẻm nhỏ đường Nguyễn Thái Học, hoặc vài căn nhà ở khu Thống Nhất… Chúng lạc điệu giữa những công trình kiến trúc ngày càng hiện đại của thành phố nhưng vẫn được chủ nhân chăm sóc khá cẩn thận. Nhà nào không gian rộng một chút thường trồng thêm vài loại cây xanh. Tất cả tạo nên hình ảnh giản dị một cách dễ chịu cho những ngôi nhà có tuổi đời chưa già nhưng cũng không phải trẻ. Hình ảnh những căn nhà đá rửa luôn gợi kỷ niệm êm đềm về nơi chốn đi, về của mỗi người. Mới hay, “một khung trời cũ dù nhỏ nhoi cũng đủ để giam nhốt sự thương yêu đến hơi thở cuối cùng” như lời một nhạc sĩ từng viết.